NƯỚC VÀ CÔNG TÁC THỦY LỢI

12/18/2024 3:47:00 PM

  1. Mở đầu

          Khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển và được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp câu tục ngữ “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” còn phù hợp không?

 

          Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn biến phức tạp, theo chiều hướng ngày một cực đoan đã, đang và sẽ tác động trực tiếp đến tài nguyên nước tại các lưu vực trên cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng, đặc biệt đang gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, đây là thách thức vô cùng lớn đối với ngành nông nghiệp và công tác thủy lợi trong thời gian tới, cụ thể đồng ruộng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn ngày một tăng, các trận mưa bất thường với cường độ lớn đã ảnh hưởng trực tiếp quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Chúng ta có thể thấy ngoài yếu tố giống, phân bón và sự cần cù của người dân vùng sông nước thì công tác thủy lợi, đặc biệt công tác tưới tiêu và điều tiết nước mặt ruộng hợp lý là yếu tố quan trọng nhất mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp nói chung và cây lúa nước nói riêng thích ứng với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính, vì vậy câu tục ngữ “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” vẫn luôn đúng khi khoa học kĩ thuật được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp đến ngày hôm nay.

2. Một số mô hình áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho lúa

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã triển khai các chương trình, dự án áp công nghệ, kỹ thuật canh tác và sản xuất lúa nước với một số mô hình điển hình gồm: Mô hình 3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm và kỹ thuật canh tác cải tiến SRI. Từ ngàn xưa mô hình sản xuất và canh tác lúa truyền thống hay đến nay khi khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển các mô hình được áp dụng không thể không nói đến vai trò then chốt công tác thủy lợi trong phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL. Một số mô hình điển hình đã và đang được áp dụng trong canh tác, sản xuất lúa nước vùng ĐBSCL.

+ Mô hình 3 giảm 3 tăng: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu, bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế, đây là mô hình dựa trên mối quan hệ của dinh dưỡng cây trồng và sự gây hại của dịch hại.

+ Mô hình 1 phải 5 giảm: Phải sử dụng giống lúa xác nhận; giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch. Mô hình canh tác này không chỉ giúp giảm phát thải từ việc trồng lúa, mà còn giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân

+ Mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI): là kỹ thuật canh tác lúa sinh thái dựa trên những tác động kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm nước tưới.

          Cùng với Đoàn công tác vào những ngày nắng nóng nhất và khô hạn kéo dài tại vùng ĐBSCL, có mặt tại tỉnh Trà Vinh qua tìm hiểu về mô hình sản xuất lúa đã áp dụng với “Mô hình 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI”, đã cho thấy NƯỚC là yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp tại vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng.

Hình ảnh một số giai đoạn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước (TKN) được thể hiện dưới đây:

Nông dân chuẩn bị đất để gieo sạ

Ruộng mới sạ

3. Kết luận và kiến nghị

Mô hình áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa theo SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa có hiệu quả cao và phù hợp thực tế, với mục đích hạ giá thành sản xuất, tăng thu nhập và lợi nhuận cho người trồng lúa, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện môi trường, bảo vệ được sức khoẻ cho người sản xuất và tiêu dùng và trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện trình diễn trên vùng chuyên canh lúa có điều kiện sản xuất tương đối khó khăn.

Để giải quyết những thách thức, khó khăn nêu trên, góp phần phát triển bền vững vùng ĐBSCL, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 với mục tiêu hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Dựa vào thực trạng một số mô hình áp dụng công nghiệ tưới TKN một số khuyến nghị của nhóm công tác:

+ Một là, cần thiết nâng cao trình độ kỹ thuật sử dụng công cụ, máy móc thiết bị quan trắc, đồng thời tập huấn cán bộ kỹ thuật về khi áp dụng mô hình tưới TKN để đồng bộ tất cả các kỹ thuật canh tác ngay từ đầu vụ.

+ Hai là, cần thiết nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê bao, bờ bao, thủy lợi nội đồng; máy móc, thiết bị đo, quan trắc nước ruộng...cho khu vực áp dụng mô hình tưới TKN, yếu tố quyết định hiệu quả cho việc tưới TKN)

+ Ba là, cần thiết lựa chọn khu vực áp dụng mô hình đáp ứng được các tiêu chí về đất, nước và hạ tầng kỹ thuật để giảm chi phí và phát sinh các rủi ro về thiên tai...