Theo tính toán, dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng nhu cầu nước của Việt Nam vào năm 2030 sẽ tăng 32% so với hiện nay. Điều này mang tới nhiều cơ hội cũng như thách thức cho lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.
Những thách thức lớn với ngành Nước Việt Nam
Theo các chuyên gia nhận định, thách thức lớn nhất mà ngành Nước tại Việt Nam đang phải đối mặt là sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp và đô thị. Nước là thành phần cốt lõi trong hạ tầng nhưng do sự phát triển mạnh của các khu công nghiệp, những dịch vụ thiết yếu trong đó có nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhiều người.
Mưa lớn gây ngập đường Dương Đình Nghệ, Hà Nội chiều 29/5/2022
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng là một thách thức lớn. Hiện nay, nhiều địa phương tại Việt Nam phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn... Thậm chí có một số địa phương phải di chuyển sang địa phận tỉnh/thành phố khác để lấy nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất do chất lượng và nguồn nước tại địa phương của mình bị suy giảm và thiếu hụt nghiêm trọng.
Ảnh minh hoạ tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt do biến đổi khí hậu đe dọa sản xuất lúa của nông dân đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam
Thêm vào đó, Việt Nam là nước đang phát triển nên ngành Nước đang rất thiếu nguồn lực và nguồn cung cấp nước có thể tư nhân hóa và huy động các nguồn lực để sinh lời. Tuy nhiên, nước thải hiện nay chỉ nhờ vào ODA và liên doanh để đầu tư, chưa thu hút được nguồn lực tư nhân.
Đi cùng những thách thức kể trên luôn là cơ hội
Theo GS.TS Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam thị trường ngành Nước ở Việt Nam trong nhiều năm tới trị giá 20 tỷ USD đến 30 tỷ USD. Trong số đó, theo báo cáo của UNICEF, ước tính chi phí khoảng 8 tỷ USD là khả năng có thể huy động đầu tư cho nước sạch, từ đó có thể thấy cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng cấp thoát nước tại nước ta đang còn dư địa lớn.
Ngoài ra, cần tìm công nghệ mới trong xử lý nước thải, xử lý nước cấp, cũng như các giải pháp đưa nước thô và nước sạch từ các nơi khác đến các địa phương thiếu nước cũng là cơ hội để phát triển khoa học, công nghệ tiên tiến cho ngành nước Việt Nam. Hiện nay, với mỗi đơn vị (m3) nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 đôla GDP, khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 đôla. Với nguồn nước dồi dào, đó cũng là cơ hội để Việt Nam có thể tạo ra nhiều lợi ích kinh tế từ nước hơn trong tương lại.
Hiện tại, Luật Cấp Thoát nước đang được xây dựng và sang năm 2025 sẽ đưa vào có hiệu lực, cho thấy sự cam kết của chính phủ và quyết tâm chính trị đối với ngành nước Việt Nam ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ.