Bối cảnh chung
Việt Nam có hệ thống sông ngòi có mật độ tương đối cao, với hơn 3.000 sông, suối và trên có khoảng trên 7.160 hồ chứa [1]. Tài nguyên nước Việt Nam thuộc loại phong phú so với trung bình trên thế giới, tuy nhiên thay đổi theo vùng miền và theo mùa, mưa nhiều gây ngập lụt mùa mưa, cạn kiệt vào mùa khô. Tổng lượng nước mặt của các LVS trên lãnh thổ Việt Nam chỉ khoảng 37% là nước nội sinh, còn lại 63% là nước chảy từ các nước láng giềng vào lãnh thổ Việt Nam. Do vậy nguồn nước của Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi quản lý và sử dụng nước thượng lưu, thêm vào đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu – nước biển dâng,khiến tình trạng khan hiếm nước, xâm nhập mặn càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt như đối với sông Hồng, sông Thái Bình và các sông thuộc vùng ĐBSCL.
Hình 1. Sông Hồng cạn nước vào mùa lũ
Về chất lượng nước mặt, theo kết quả đánh giá chất lượng nước mặt thực hiện đối với các lưu vực sông lớn trên phạm vi cả nước, cho thấy nhiều lưu vực sông đã và đang bị ảnh hưởng ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt và sản xuất. Hiện cả nước có hơn 770 đô thị, tuy nhiên tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý chỉ đạt ở mức khoảng 12% [2]. Kết quả quan trắc cho thấy hàm lượng các chất ô nhiễm trên nhiều hệ thống sông vượt tiêu chuẩn cho phép rất nhiều lần, như ở hệ thống sông Cầu, sông Nhuệ-Đáy, sông Hồng, sông Đồng Nai. Tình trạng các dòng sông bị ảnh hưởng xâm nhập mặn sâu và kéo dài xuất hiện ở nhiều nơi, khiến cho một số nhà máy phải dừng hoạt động, không đáp ứng yêu cầu cấp nước.
Hình 2. Ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai
Việt Nam có nguồn tài nguyên nước dưới đất phong phú, với nhiều tầng chứa nước, có chất lượng tương đối tốt, trong đó phổ biến là: Tầng chứa nước các trầm tích Holocen (qh); Tầng chứa nước các trầm tích Pleistocen giữa – trên (qp2); Tầng chứa nước các trầm tích Pleistocen dưới (qp1); Tầng chứa nước các trầm tích Pliocen (n2); Tầng chứa nước các trầm tích Miocen (n1) [3]. Tuy nhiên dữ liệu quan trắc mực nước và chất lượng nước trong những năm gần đây cho thấy mực nước ngầm ở nhiều vùng khai thác bị suy giảm, phễu hạ thấp mực nước do khai thác nước có diện tích tăng thêm, diện tích vùng bổ cập bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Chất lượng nước có chiều hướng xấu đi, ảnh hưởng chất ô nhiễm và xâm nhập mặn tăng thêm
Mức độ khai thác nước và nhu cầu dùng nước
Kết quả nghiên cứu của Ban Nước Toàn cầu thuộc Ngân hàng Thế giới, về chỉ số khai thác nước (tỉ lệ khai thác, sử dụng so với tổng lượng nước sẵn có) cho thấy mức độ khai thác, sử dụng nước ở các lưu vực chính của Việt Nam hiện đang tới mức không bền vững, điển hình là sông Hồng-Thái Bình, cụm sông Đông Nam Bộ và lưu vực sông Đồng Nai [4]. Theo tính toán dự báo của Ngân hàng thế giới, nhu cầu nước mùa khô của Việt Nam vào năm 2030 sẽ tăng 32% so với hiện tại và 5 lưu vực sông chính của Việt Nam, các lưu vực kinh tế trọng điểm sẽ có căng thẳng nghiêm trọng về nước [5].
Giải pháp khai thác sử dụng tổng hợp và chủ động nguồn nước một cách bền vững
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, thực trạng nguồn nước ngày càng khan hiếm ở giai đoạn hiện tại và tương lai, bên cạnh việc quản lý nhu cầu, sử dụng nguồn nước hiệu quả và tiết kiệm, cần thiết có các giải pháp khai thác sử dụng tổng hợp và chủ động nguồn nước một cách bền vững. Các giải pháp chính được thể hiện trên Bảng 1.
Bảng 1. Giải pháp khai thác sử dụng tổng hợp và chủ động nguồn nước
Giải pháp
|
Nội dung giải pháp
|
(1) Phương án chủ động nguồn nước nội địa, sử dụng nguồn nước mặt sẵn có
|
- Xây dựng phương án quy hoạch sử dụng, tận dụng và xây dựng các hồ điều hòa sẵn có
- Tạo ra hệ thống dẫn nước từ các hồ, sông lớn hiện hữu, tạo ra sự tuần hoàn và lưu trữ nước, giảm thiểu lượng nước thoát ra biển
- Cải thiện môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, phát triển bền vững, góp phần làm chậm dòng chảy mặt khi có mưa, tăng cường bổ cập nước ngầm.
|
(2) Phương án thu trữ và sử dụng nước mưa
|
- Xây dựng phương án thu trữ nước mưa làm nguồn cấp nước kết hợp phòng chống ngập úng, tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, bổ cập nước ngầm
- Xây dựng phương án sử dụng nguồn nước mưa phục vụ các nhu cầu sử dụng nước và các yêu cầu khác
|
(3) Phương án tái sử dụng nguồn nước thải
|
- Tái sử dụng nguồn nước thải phục vụ nhu cầu sử dụng nước và bổ cập nước ngầm
- Yêu cầu chất lượng nước sau xử lý cao, góp phần giảm ô nhiễm nguồn nước
- Cần thiết rà soát và cải tạo công nghệ xử lý nước thải hiện có đảm bảo tiêu chuẩn xả ra môi trường đồng thời phục vụ mục tiêu tái sử dụng nước thải
- Xác định yêu cầu và mức độ xử lý nước thải phụ thuộc vào nhu cầu/mục đích tái sử dụng nước (sinh hoạt, công nghiệp, tưới, cảnh quan, vv….)
|
(4) Phương án quy hoạch sử dụng tổng hợp
|
- Xây dựng phương án quy hoạch sử dụng tổng hợp tài nguyên nước mặt, nước ngầm nước mưa và tái sử dụng nước thải.
|
Kết luận
Để đảm bảo an ninh nguồn nước cần thực hiện các giải pháp khai thác sử dụng tổng hợp và chủ động nguồn nước, đặc biệt trong điều kiện nguồn nước ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm, nhu cầu nước tăng cao, cộng thêm biến đổi khí hậu như hiện nay, cần thiết có phương án quy hoạch sử dụng tổng hợp, kết hợp đầy đủ các giải pháp: chủ động nguồn nước nội địa, sử dụng nguồn nước mặt sẵn có; thu trữ và sử dụng nước mưa; tái sử dụng nguồn nước thải, nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước.
Tài liệu tham khảo
[1] Bộ Tài nguyên môi trường. Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia, 2022
[2] QCVN, Bộ Tài nguyên môi trường, Thực trạng môi trường nước, 2020
[3] Nguyễn Văn Đản. Khả năng tồn tại các nguồn nước dưới đất ở vùng thềm lục địa Việt Nam, 2023
[4] WB, Ban Nước Toàn cầu, Chỉ số khai thác nước, 2019
[5] WB, Dự báo nhu cầu nước mùa khô năm 2030, 2022