Câu hỏi đặt ra đối với các kỹ sư ngành Cấp thoát nước là làm sao để cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân tại các khu vực hạn hán và xâm nhập mặn. Điều này đòi hỏi rất nhiều nhân lực, nhiều nghiên cứu của các kỹ sư và nhà khoa học về lĩnh vực cấp nước để tìm ra các giải pháp về nguồn nước, về công nghệ xử lý nước với chi phí xây dựng và quản lý vận hành phù hợp phục vụ cho người dân
Cà Mau là tỉnh cực Nam Tổ quốc, đồng thời là địa phương duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long không thể tiếp cận nguồn nước ngọt từ sông Hậu. Do đó, tập quán sản xuất nông nghiệp của người dân lâu nay vẫn phụ thuộc vào nguồn nước được tích trữ trong mùa mưa. Do đó, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt như hiện nay, hạn mặn sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho Cà Mau trên các lĩnh vực.
Mới bắt đầu mùa khô hạn năm 2024, tuy nhiên tỉnh Cà Mau đã phải ban bố tình huống khẩn cấp liên quan tới hạn mặn. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra khốc liệt, nhiều kênh rạch, vùng ngọt hóa đã trơ đáy, kéo theo nhiều hệ lụy. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới hàng chục ngàn hộ dân bị thiếu nước ngọt cho sinh hoạt, nhiều diện tích lúa của người dân bị thiệt hại.

Hình 1: Tình trạng hạn hán ở Cà Mau (Nguồn: https://vnexpress.net/ca-mau-cong-bo-han-han-khan-cap-4734651.html)
Nguồn nước cấp cho sinh hoạt ở tỉnh Cà Mau sử dụng 100% từ nguồn nước ngầm. Trong đó, khu vực nông thôn, ngoài nguồn nước ngầm cung cấp từ các công trình cấp nước tập trung, và các giếng khoan tự đầu tư, người dân còn sử dụng nguồn nước mưa và nguồn nước trữ trong các ao đìa để cấp cho sinh hoạt. Tuy nhiên, khi mùa khô đến, nguồn nước mặt cạn kiệt, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, dẫn đến mực nước và chất lượng nước ngầm giảm sút, nước mặt cạn kiệt.
Theo số liệu thống kê, số hộ dân nông thôn hiện tại của tỉnh Cà Mau khoảng 226.000 hộ; tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch hợp vệ sinh là 91,31%, tương đương 206.000 hộ. Có 20.851 hộ dân cư nông thôn thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, chia thành 04 nhóm: Nhóm (I) ở gần công trình cấp nước nhưng chưa tiếp cận được nước nước nối mạng (6.184 hộ); nhóm (II) dân cư sống phân tán (4.193 hộ); nhóm (III) đã có hệ thống cấp nước nối mạng, nhưng bị xuống cấp (6.384 hộ); nhóm (IV) khu dân cư tập trung nhưng chưa có công trình cấp nước (4.090 hộ).


Hình 2: Người dân vùng hạn mặn nhận hỗ trợ nước sạch từ Quân khu 9 (Nguồn: https://baophapluat.vn/quan-khu-9-cap-nuoc-sach-cho-nguoi-dan-vung-han-man-o-ca-mau-post508975.html)
Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn có xu hướng tăng nhanh về quy mô và mức độ ảnh hưởng đối với các tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long, gây thiệt hại nặng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như tới đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng. Thực tế đặt ra nhiều thách thức cho các nhà quản lý để tìm ra các giải pháp phù hợp giúp người dân thích ứng với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng phức tạp hiện nay.
Vì vậy, câu hỏi đặt ra đối với các kỹ sư ngành Cấp thoát nước là làm sao để cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân tại các khu vực hạn hán và xâm nhập mặn. Điều này đòi hỏi rất nhiều nhân lực, nhiều nghiên cứu của các kỹ sư và nhà khoa học về lĩnh vực cấp nước để tìm ra các giải pháp về nguồn nước, về công nghệ xử lý nước với chi phí xây dựng và quản lý vận hành phù hợp phục vụ cho người dân ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và với các vùng chịu hạn hán và xâm nhập mặn nói chung trong cả nước.
TS. Nguyễn Thế Anh
Bộ môn Cấp thoát nước,
Trường Đại học Thủy lợi