THỦY ĐIỆN VÀ CÂU CHUYỆN SINH KẾ VÙNG HẠ NGUỒN SÔNG MEKONG

2/28/2024 4:27:00 PM

Theo thống kê của MRC (tính đến tháng 10 năm 2021) trên toàn lưu vực sông Mekong, gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đã quy hoạch 162 dự án thủy điện trên dòng chính và dòng nhán, trong đó Trung Quốc dự kiến xây dựng 23 nhà máy thủy điện trên dòng chính có tổng công suất lên đến 31.605 MW. Cũng theo nguồn thông tin của MRC, đến năm 2040, phát triển thủy điện trên lưu vực sông Mekong có thể mang lại lợi ích kinh tế gấp 16 lần cho các nước trong khu vực. Tuy nhiên, việc xây dựng các nhà máy thủy điện đã tác động không nhỏ đến sinh kế và môi trường. Các đập thủy điện có thể làm giảm trên 10% nguồn thu của ngành thủy sản và giảm tới 97% lượng trầm tích về cửa sông. Sự suy giảm nguồn trầm tích do ngăn dòng chảy tại thượng nguồn là thảm họa đối với nghề thủy sản và sản xuất nông nghiệp của người dân trong vùng hạ nguồn sông Mekong. Để giảm thiểu tác động bất lợi của phát triển các đập thủy điện đến nghề cá và sinh kế của người dân cần thực hiện hài hòa các biện pháp giữa kinh tế và môi trường.

Đập thuỷ điện Sayaboury là một trong những dự án đập thuỷ điện đầu tiên ở sông Mekong, ở phía Bắc nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Nằm cách thủ đô Viêng Chăn khoảng 80 km, khu vực có khoảng 77% dân số của tỉnh Sayaboury sống bằng nghề cá, đóng góp một phần kinh tế đáng kể cho Lào. Sông Hậu là một trong hai phân lưu của sông Mekong. Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Hậu trải dài gần 200 km đi qua tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh. Khu vực sông Hậu có nguồn lợi thủy sản phong phú, là vùng trái cây nổi tiếng của miền Tây Nam Bộ.

Mời quý độc giả cùng theo dõi câu chuyện được chia sẻ từ chính người dân vùng sông Hậu (Việt Nam) và khu vực thủy điện Sayaboury (Lào) về ảnh hưởng của phát triển đập thủy điện qua video được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu Trường Đại học Thủy lợi.