CHIA SẺ CỦA MỘT CỰU SINH VIÊN NGÀNH THUỶ VĂN – PGS. TS VŨ MINH TUỆ (LỚP 42V)

4/4/2022 11:49:00 PM
Một số chia sẻ của PGS. TS Vũ Minh Tuệ, cựu sinh viên lớp 42V ngành Thuỷ văn học về bản thân, nghề nghiệp và lĩnh vực thuỷ văn.

1. Xin chào Tuệ. Mình được biết Tuệ trước đây là sinh viên đại học Thuỷ lợi và hiện đang công tác tại một trước đại học của Mỹ. Tuệ có thể giới thiệu thêm một chút về bản thân được không?  

Xin chào các bạn. Mình tên là Vũ Minh Tuệ, trước đây mình sống tại Hà Nội. Mình học lớp 42V khoa Thủy văn Môi trường (cũ), nay là khoa Kỹ thuật Tài nguyên nước, đại học Thủy lợi. Bây giờ, mình đang công tác tại tại Đại học Clemson, bang South Carolina, Mỹ.

Khi là sinh viên trường Thuỷ lợi, mình đã đạt được một số thành tích như: Bằng khen của TƯ Đoàn TNCSHCM và TƯ Hội SVVN cho Bí thư LCĐ và Hội trưởng LCH khoa V nhiệm kỳ 2002-2004; Ba giải nhì NCKH cấp trường 2002-2004; Giải Nhì Loa Thành cho đồ án tốt nghiệp xuất sắc; Một số các giải văn nghệ và thể thao khi tham gia thi đấu tại trường ĐHTL và Bộ NN&PTNT; Bằng khen của CLB sinh viện tình nguyện...

2. Bạn đã học ngành Thuỷ văn Môi trường (nay là Thuỷ văn học), một trong những ngành truyền thống của trường Đại học Thủy Lợi. Bạn có thể chia sẻ một chút lý do tại sao bạn lại lựa chọn theo học ngành Thuỷ văn được không?  

Mình đã sớm được nghe về trường Thuỷ lợi từ những người thân làm trong nghề. Ban đầu mình cũng chưa thật hiểu thế nào là thuỷ văn, học ngành này sẽ học gì, sau này sẽ làm gì. Qua những câu chuyện, mình đã hiểu tài nguyên nước vô cùng quan trọng trong đời sống, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, cho nên mình cũng đã sớm có niềm đam mê đặc biệt với môn khoa học nghiên cứu về tài nguyên nước. Trong quá trình tìm hiểu các ngành học tại Đại học Thủy lợi, mình được biết nghiên cứu thủy văn luôn là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên và tiên quyết trong các dự án về thủy lợi, sinh viên học ngành này được đi thực tập nhiều, và đặc biệt có nhiều cơ hội du học sau này nên mình quyết định lựa chọn và gắn bó đến nay.  

3. Sinh viên ngành Thuỷ văn trước đây luôn được biết đến là những sinh viên rất năng động, nhiệt huyết, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn vì có nhiều hoạt động chuyên môn ngoại khoá cũng như nhiều môn đi thực tập. Tuệ có thể cho biết một số ấn tượng tốt đẹp trong giai đoạn là sinh viên khoa V trong quá trình học tập chuyên môn, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động ngoại khoá?

- Chương trình đào tạo ngành thuỷ văn được xây dựng và định hướng khá bài bản cho sinh viên từ các môn cơ bản như nguyên lý thủy văn, thủy lực tới các môn phức tạp hơn là mô hình toán, tính toán thủy văn, khí tượng, dự báo bão lũ. Điều này giúp cho sinh viên có thể tiếp thu các kiến thức chuyên môn tốt hơn, hiểu ngành nghề hơn.

- Với đặc thù là nghiên cứu về tài nguyên nước, các thầy cô rất đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Sinh viên luôn sớm được tham gia các đề tài nghiên cứu với các nội dung cập nhật, cùng các công cụ hiện đại như mô hình toán, viễn thám và GIS… được phát triển và phổ biến tại các nước phát triển trên thế giới. Do vậy, sinh viên luôn có thói quen tự học tốt, có kĩ năng tìm tòi tài liệu, đọc sách chuyên môn bằng tiếng Anh. Sự thành công được thể hiện ngoài các giải NCKH SV của trường, ngành V luôn có các đồ án tốt nghiệp xuất sắc tham gia giải Loa Thành hàng năm được thành tích cao.

- Khoa Thuỷ văn (cũ) cũng là khoa có số lượng sinh viên không lớn như các khoa khác nhưng với đặc thù là có nhiều sinh viên nữ (chiếm 50%) nên các hoạt động ngoại khóa được tổ chức rất đa dạng và nhiều sáng tạo. Ngoài bóng đá, tập thể lớp còn rất mạnh các môn khác như cờ vua, văn nghệ, khiêu vũ, CLB tiếng Anh, CLB tin học. Mình thấy các hoạt động ngoại khoá lành mạnh này đã giúp nâng cao sự đoàn kết của lớp, nâng cao tinh thần học tập, rèn luyện sức khoẻ.

4. Được biết Tuệ đã sớm đi du học nước ngoài ngay sau khi tốt nghiệp đại học? Tuệ có thể chia sẻ một số kinh nghiệm để đạt được mục tiêu trên cũng như một số các công việc sau này của mình?

Mình luôn cố gắng là sẽ tìm học bổng du học ngay sau khi tốt nghiệp để nâng cao kiến thức. Vì vậy ngay từ năm thứ 2, mình đã tập trung vào tham gia NCKH với các thầy giáo trẻ trong khoa (thầy Hoàng Sơn, thầy Hoàng Thanh Tùng). Thời đó, cứ tan học là mình lên trung tâm Viễn thám và GIS ngồi học thêm với thầy Sơn, thầy Tùng về viễn thám, GIS, cơ sở dữ liệu và lập trình Pascal, Visual Basic. Ngoài ra, mình còn tổ chức các lớp học tiếng Anh (IELTS) cho các bạn trong lớp 2 năm cuối ĐH để chuẩn bị cho việc du học. Với sự giúp đỡ của cố GS. Ngô Đình Tuấn và GS. Phạm Thị Hương Lan, mình đã hoàn thành tốt đồ án tốt nghiệp. Giải nhì Loa Thành là một trong những giải cao nhất của trường ĐHTL khi tham gia năm 2005.

Sau khi ra trường, mình đạt học bổng thạc sỹ theo chương trình kỹ thuật môi trường liên kết giữa ĐH Stanford (Mỹ) và ĐH kỹ thuật Nanyang (Singapore). Sau đó mình đi làm tại Viện nghiên cứu biển nhiệt đới (Tropical Marine Science Institute), tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS). Trong thời gian đi làm tại đây, mình đăng ký học tiếp Tiến sĩ để có thể tận dụng được những công trình nghiên cứu tại Viện và trích một phần ra làm luận án TS. Dự án của mình tại NUS liên quan tới mô hình khí hậu khu vực (Regional Climate Model), trong đó mình có sử dụng hệ thông máy tính hiệu năng cao (High Performance Computing) để chạy một số mô hình như WRF (Weather Research & Forecasting) và PRECIS. Các mô hình này giúp làm tăng độ phân giải của mô hình khí hậu toàn cầu (Global Climate Model) từ 10-20 lần và giúp đánh giá tốt hơn điều kiện của địa phương khi có tính toán tới ảnh hưởng của điều kiện khu vực (địa hình, thảm phủ, thổ nhưỡng). Mình sau đó sử dụng kết quả mô hình toán để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới dòng chảy, lũ lụt, hạn hán, mùa màng cho một số lưu vực tại Đông Nam Á. Kết quả một số nghiên cứu này đã được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế.

5. Tuệ có thể chia sẻ thêm về các công việc và hướng nghiên cứu hiện tại? 

Sau khi có bằng TS, mình làm việc tại NUS thêm 2 năm trước khi qua Mỹ làm postdoc tại ĐH Clemson, bang South Carolina, Mỹ. Tại Clemson, mình chủ nhiệm dự án về nghiên cứu ảnh hưởng của mưa bão tới lũ lụt của một số lưu vực song trên thế giới. Dự án được tài trợ bởi công ty bảo hiểm AIG. Tại đây mình phát triển mô hình K-Nearest Neighbour để mô phỏng mưa cực trị cho các lưu vực này. Ngoài ra mình phát triển thêm một số hướng nghiên cứu khác về ứng dụng hình ảnh mưa và độ ẩm đất từ vệ tinh để phục vụ cho việc cảnh báo sớm lũ lụt và hạn hán cho toàn cầu. Sau 3 năm postdoc, mình chuyển sang vị trí Research Assistant Professor tại khoa và ngoài ra, mình còn làm thêm công tác quản lý hệ thống HPC của trường hỗ trợ hơn 2000 người dùng tích cực, phục vụ cho hơn 60 khoa trong trường.

6. Một số cảm nghĩ của Tuệ với tư cách là một chuyên gia quốc tế về ngành thuỷ văn nói chung, về đào tạo thuỷ văn ở Việt Nam và ở trường ĐH Thuỷ lợi, cũng như cơ hội nghề nghiệp?

- Thủy văn tài nguyên nước là một ngành rất cần thiết cho mọi mặt của cuộc sống, là đầu vào cho các bài toán thiết kế, xây dựng công trình khai thác tài nguyên nước, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Trên thế giới, nghiên cứu thủy văn rất được coi trọng và được đầu tư nhiều nguồn lực. Mạng lưới các chuyên gia thuỷ văn trên thế giới được gắn bó chặt chẽ với nhau. Hiện có rất nhiều hội nghị, hội thảo thường niên liên quan tới thủy văn TNN được tổ chức như AGU tại Mỹ, EGU tại châu Âu, AOGS tại châu Á Thái Bình Dương hay HIC, IAHR, SWAT. Các hội thảo này giúp kết nối các chuyên gia trong cùng lĩnh vực cũng như giới thiệu về các dự án mà cơ sở nghiên cứu mình đang tập trung.

- Việc đào tạo và nghiên cứu về thủy văn ở Việt Nam cũng cần được đẩy mạnh để hội nhập với quốc tế. Mình thấy trong những năm gần đây, trường ĐHTL đã rất chú trọng tới đẩy mạnh NCKH cũng như tổ chức các hội thảo quốc tế tại trường. Mình đã rất may mắn khi được tham gia 2 trong số những hội thảo này khi còn làm việc tại Singapore.

- Ở Việt Nam hiện có 3 cơ sở đào tạo về thuỷ văn là trường đại học Thuỷ lợi, đại học Khoa học Tự nhiên và đại học Tài nguyên môi trường. Từ kinh nghiệm của bản thân, mình nhận thấy chất lượng đào tạo kỹ sư thuỷ văn của trường Thuỷ lợi rất tốt. Rất nhiều các bạn bè cùng lớp của mình đã có thành công trong sự nghiệp thuỷ văn, nhiều người đang công tác ở các công ty tư nhân/cơ quan chính phủ ở nước ngoài.

- Sau khi tốt nghiệp, các kỹ sư TV ngoài cơ hội làm việc cho các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Tài nguyên MT, các viện nghiên cứu, Tổng cục KTTV, các công ty tư vấn, công ty xây dựng thủy lợi, các tổ chức phi chính phủ… Cơ hội nghề nghiệp là rất lớn nếu các bạn sinh viên cố gắng học hỏi và trang bị thêm nhiều kiến thức chuyên ngành cũng như các kĩ năng khác như lập trình và ngoại ngữ để phục vụ cho hội nhập.

Xin cám ơn Tuệ vì những chia sẻ của bạn!

Ảnh 1. Liên hoan 8/3 tại lớp 42V, ảnh chụp năm 2004

Ảnh 2. Một số hoạt động tại các hội thảo khoa học quốc tế khi Tuệ còn là sinh viên du học

Ảnh 3. Giới thiệu về nghiên cứu sau TS của Tuệ trong kỷ yếu của trung tâm nghiên cứu hệ thống và kỹ thuật rủi ro (RESA) tại ĐH Clemson năm 2016.

Khoa Kỹ thuật Tài nguyên nước