NGÀNH KỸ THUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC - TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦY LỢI

3/6/2022 8:02:00 PM

NGÀNH KỸ THUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦY LỢI

Ngành Kỹ thuật tài nguyên nước, Trường Đại học Thủy lợi là nơi đào tạo hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật tài nguyên nước của Việt Nam, có năng lực hội nhập cao với hệ thống giáo dục đại học khu vực và quốc tế.

I. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Mục tiêu chung:

Đào tạo các kỹ sư có chuyên môn cao, có khả năng thích ứng với các vị trí công tác đa dạng trong lĩnh vực kỹ thuật tài nguyên nước và đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.

Mục tiêu cụ thể:

Sinh viên tốt nghiệp chương trình Kỹ thuật tài nguyên nước có kiến thức, kỹ năng và năng lực như sau:

  1. Có kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, tin học, ngoại ngữ, hiểu biết ngành nghề đáp ứng được khả năng tiếp thu các kiến thức cơ sở khối ngành, cơ sở ngành và chuyên ngành.
  2. Có kiến thức cơ sở khối ngành, cơ sở ngành về cơ học, đồ họa, khoa học đất, thủy văn công trình, thủy lực công trình, địa kỹ thuật, kinh tế xây dựng, trắc địa… và các kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực Kỹ thuật tài nguyên nước như Quy hoạch phát triển nông thôn, Quy hoạch hệ thống thủy lợi, Thiết kế hệ thống tưới tiêu, Quản lý hệ thống công trình thủy lợi, Kỹ thuật tưới hiện đại, Cấp thoát nước, Đánh giá tác động môi trường, Quản lý dự án, Thi công công trình thủy lợi… và kiến thức về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành học.
  3. Có phẩm chất chính trị, đạo đức; kỹ năng cá nhân, nghề nghiệp; kỹ năng giao tiếp, làm việc độc lập và làm việc theo nhóm đủ để làm việc trong môi trường liên ngành;
  4. Có khả năng thực hiện được các công việc:

- Đề xuất phương án và lựa chọn phương án tối ưu về nguồn nước, bố trí hệ thống thủy lợi phục vụ cấp thoát nước cho các lĩnh vực nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp, thuỷ sản, du lịch...;

- Tư vấn quy hoạch, thiết kế, thi công, giám sát, quản lý các dự án thủy lợi, thủy điện, cấp thoát nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác;

- Quản lý nước, quản lý công trình và quản lý kinh tế trong các hệ thống thủy lợi;

- Quy hoạch, thiết kế và quản lý vận hành các hệ thống tưới hiện đại (phun mưa, nhỏ giọt…) phục vụ nông nghiệp công nghệ cao;

- Đề xuất các giải pháp khắc phục hậu quả và giảm nhẹ thiên tai như hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất…, tham gia các dự án phát triển, nghiên cứu các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra.

- Tiếp cận, tham gia thực hiện các chương trình dự án ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực Thủy lợi;

- Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, lập kế hoạch, lập quy trình vận hành công trình thủy lợi…

  1. Có thể tiếp tục học sau đại học ngành kỹ thuật tài nguyên nước hoặc các ngành phù hợp, các ngành gần khác hoặc có thể dễ dàng chuyển đổi học văn bằng 2 ở những ngành gần tại các trường đại học trong và ngoài nước.

II. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO VÀ ĐỘI NGŨ GIẢNG DẠY

Chương trình đào tạo được thiết kế theo khung chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tham khảo chương trình đào tạo của các nước tiên tiến. Nội dung đào tạo theo hướng hiện đại, phù hợp với thực tiễn đáp ứng nhu cầu phát triển của Ngành, đất nước và hội nhập quốc tế. Thời gian đào tạo 4,5 năm với 155 tín chỉ.

Đội ngũ giảng viên có trình độ cao, được đào tạo ở các nước phát triển như Đức, Italia, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; luôn tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới và theo sát với nhu cầu thực tiễn của đất nước; luôn yêu nghề, nhiệt huyết với sự nghiệp đào tạo, đảm nhiệm đào tạo tất cả các bậc từ đại học đến thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và cho nước bạn Lào, Camphuchia.

III. ĐIỀU KIỆN HỌC TẬP

- Sinh viên được học tại vị trí trung tâm Thủ đô Hà Nội (175 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội); Môi trường học tập, rèn luyện năng động, sáng tạo;

- Ngoài thời gian tham gia những tiết học chính khóa bổ ích trên giảng đường, sinh viên còn có cơ hội tham gia vào các câu lạc bộ học thuật để thỏa mãn đam mê học tập và nghiên cứu; tham gia các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao và nhiều hoạt động ngoại khóa khác.

- Cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại bậc nhất trong các trường đại học ở Hà Nội: (100% phòng học có điều hòa, máy chiếu, wifi miễn phí; 100% sinh viên của ngành được ở ký túc xá sạch, đẹp, chi phí thấp; khu giáo dục thể chất gồm bể bơi, sân bóng đá, nhà thi đấu...; Thư viện hiện đại với nhiều đầu sách và học liệu mở; hệ thống phòng thí nghiệm thực hành với nhiều máy móc hiện đại).

- Quá trình học sinh viên được tham quan, thực tập hệ thống công trình thực tế. Sinh viên các năm cuối có cơ hội tham gia các dự án và các NCKH với giảng viên.

IV. NHU CẦU LAO ĐỘNG CỦA NGÀNH KỸ THUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC

Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 nhằm phát triển thủy lợi đáp ứng các mục tiêu:

- Phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại, linh hoạt, bảo đảm cấp, thoát nước cho dân sinh, các ngành kinh tế, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh.

- Chủ động phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, ứng phó với trường hợp bất lợi nhất, nâng cao mức bảo đảm tiêu thoát nước, phòng chống lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn các lưu vực sông; góp phần xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai.

Để thực hiện được các mục tiêu của Chiến lược thủy lợi Việt Nam, chiến lược đã đưa ra các giải pháp về: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi; Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác; Khoa học công nghệ; Hợp tác quốc tế. Với các giải pháp đó đòi hỏi phải phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng thông qua đào tạo nâng cao năng lực, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia hoạt động thủy lợi. Như vậy, có thể thấy nhu cầu về nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực thủy lợi là rất lớn.

V. NƠI LÀM VIỆC SAU KHI SINH VIÊN TỐT NGHIỆP

Hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực về lĩnh vực kỹ thuật tài nguyên nước để giải quyết các vấn đề lớn của đất nước như hạn hán, lũ lụt, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững các ngành kinh tế là rất lớn. Kỹ sư Kỹ thuật tài nguyên nước có thể làm việc được ở các vị trí liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước, môi trường, thủy lợi như:

- Các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp của các Quận, huyện…;

- Các Viện và Trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ;

- Các Công ty: Tư vấn Quy hoạch, thiết kế, thi công, giám sát, quản lý dự án về hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, giao thông, thủy lợi, phòng chống giảm nhẹ thiên tai; Quản lý khai thác công trình thủy lợi;

- Tự thành lập hoặc làm việc trong các doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ về khoa học kỹ thuật, công nghệ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước và môi trường…;

- Các doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức quốc tế liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật tài nguyên nước: WB, ADB, JICA, Israel…;

- Giảng viên các Trường đại học, cao đẳng đào tạo các lĩnh vực liên quan.

VI. CƠ HỘI HỌC TẬP NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ

Người tốt nghiệp chương trình ngành Kỹ thuật tài nguyên nước của Trường Đại học Thủy lợi có thể :

- Có cơ hôi du học nước ngoài bằng nhiều nguồn học bổng.

- Dễ dàng chuyển đổi học văn bằng 2; tiếp tục học thạc sĩ, tiến sĩ ngành kỹ thuật tài nguyên nước hoặc các ngành kỹ thuật khác tại các trường đại học trong và ngoài nước.

VII. CÁC ĐIỂM MẠNH CỦA NGÀNH KỸ THUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC TẠI TRƯỜNG ĐH THỦY LỢI

Ngành kỹ thuật tài nguyên nước, Trường Đại học Thủy lợi với 60 năm xây dựng và phát triển, là nơi đào tạo có bề dày truyền thống và thành tựu nghiên cứu, đào tạo nhất trong số các trường đại học có đào tạo ngành này trên cả nước.

Bên cạnh việc đào tạo thiên về công tác quy hoạch và quản lý tài nguyên nước như một số trường đại học khác, ngành kỹ thuật tài nguyên nước của Trường Đại học Thủy lợi có nhiều điểm khác biệt nổi bật như:

- Quy hoạch, thiết kế và quản lý khai thác các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu;

- Quy hoạch, thiết kế, thi công các hệ thống tưới tiết kiệm nước phục vụ nông nghiệp công nghệ cao;

- Thủy lợi cải tạo đất;

- Sinh viên có thể được trực tiếp tham gia vào các đề tài nghiên cứu, các dự án thủy lợi phục vụ sản xuất cùng với các chuyên gia và các giảng viên trong trường.

- Sinh viên được học trong môi trường có hệ thống trang thiết bị hiện đại, nơi sinh hoạt và rèn luyện đầy đủ, khang trang.

VIII. ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ VÀ GIẢI ĐÁP THÔNG TIN

BỘ MÔN KỸ THUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC, Phòng 311 - Nhà A1, Trường Đại học Thủy lợi, Số 175, Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội

Website:       kttnn.tlu.edu.vn

Điện thoại:    0243 5636468

Email:           kttnn@tlu.edu.vn

Facebook:     facebook.com/Kythuattainguyennuocthuyloi

Trưởng Bộ môn:      TS. Nguyễn Quang Phi      Điện thoại: 0913050625

Email: quangphi_nguyen@tlu.edu.vn;

Phó trưởng Bộ môn:  PGS.TS. Ngô Văn Quận    Điện thoại: 0918248388

Email: ngovanquan@tlu.edu.vn

IX, ĐỀ TÀI, DỰ ÁN NGHIÊN CỨU DO GIẢNG VIÊN NGÀNH KỸ THUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC THỰC HIỆN NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

1. Đề tài NCKH cấp Nhà nước:

+ Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ thủy lợi, nông lâm kết hợp nhằm cải tạo và khai thác đất cát ven biển phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững vùng Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị).

+ Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ giám sát tài nguyên nước mặt và cảnh báo hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện thiếu số liệu quan trắc ở lưu vực sông Mê Công ngoài lãnh thổ Việt Nam.

2. Đề tài NCKH cấp Bộ:

+ Nghiên cứu tưới tiết kiệm nước cho các loại cây trồng: lúa, cà phê, dứa;

+ Nghiên cứu các giải pháp giảm nhẹ hạn hán thuộc dải ven biển miền Trung; khu vực Nam trung bộ và Tây Nguyên;

+ Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả công trình thuỷ lợi các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc phục vụ đa mục tiêu;

+ Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng bộ chỉ tiêu về chất lượng nước tưới cho một số loại cây trồng chính (lúa, ngô, đậu tương, lạc và rau).

+ Nghiên cứu kỹ thuật sinh thái xanh không sử dụng năng lượng để xử lý nước thải sinh hoạt; Đánh giá và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của chất thải đến nguồn nước cho trạm cấp nước nông thôn.

3. Biên soạn tiêu chuẩn quốc gia, thực hiện các dự án phục vụ sản xuất:

+ Biên soạn các Tiêu chuẩn quốc gia: Hệ thống công trình thủy lợi –  Kỹ thuật tưới, tiêu nước cho cây lương thực và cây thực phẩm; Hệ thống công trình thủy lợi – Cấp hạn đối với nguồn nước tưới và cây trồng được tưới; Hệ thống tưới tiêu - yêu cầu kỹ thuật tưới bằng phương pháp phun mưa; Công trình thủy lợi – tính toán hệ số tiêu thiết kế; Công trình thủy lợi - Hệ thống dẫn, chuyển nước - yêu cầu thiết kế.

+ Xây dựng Quy trình vận hành HTTL Bắc Hưng Hải; HTTL sông Nhuệ.

+ Rà soát, điều chỉnh, bổ sung bộ định mức Kinh tế - kỹ thuật trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật về dự báo nguồn nước; giám sát, dự báo chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi; dự báo xâm nhập mặn.

+ Nhiều dự án phục vụ sản xuất: Lập phương án phòng chống lũ lụt cho hạ du hồ chứa; Điều tra, đánh giá tác động thực tế của công trình thủy điện dòng chính Xay-nha-bu-nhy của Lào đến Đồng bằng sông Cửu Long; Đánh giá cao trình một số tuyến đê thuộc hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình; sông Mã - sông Cả; Tổng hợp, biên tập phương án sơ tán dân và in bản đồ ngập lụt hạ du hồ chứa các lưu vực sông...