“TRÁI NGỌT” TRÊN VÙNG CÁT TRẮNG BẮC TRUNG BỘ THÀNH QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TỪ ĐỀ TÀI ĐỘC LẬP CẤP NHÀ NƯỚC DO CÁC GIẢNG VIÊN NGÀNH KỸ THUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC THỰC HIỆN

7/20/2022 4:33:00 PM
Những vùng đất cát biển hoang hóa Bắc Trung Bộ đã được phủ màu xanh tươi của rau màu và những “trái ngọt” là thành quả đạt được sau 3 năm của đề tài độc lập cấp nhà nước: “Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ thủy lợi, nông lâm kết hợp nhằm cải tạo và khai thác đất cát ven biển phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững vùng Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị)” do các giảng viên ngành Kỹ thuật tài nguyên nước thực hiện

Những vùng đất cát biển hoang hóa Bắc Trung Bộ đã được phủ màu xanh tươi của rau màu và những “trái ngọt” là thành quả đạt được sau 3 năm của đề tài độc lập cấp nhà nước: “Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ thủy lợi, nông lâm kết hợp nhằm cải tạo và khai thác đất cát ven biển phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững vùng Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị)” do các giảng viên ngành Kỹ thuật tài nguyên nước thực hiện. Minh chứng rõ nét cho kết quả này là mô hình cây ngắn ngày của trang trại bà Trần Thị Việt Hà tại xã Yên Hoà, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, mô hình được xây dựng trên diện tích 3 ha đất hoang hóa thuộc đất đai của HTX Hà Trung. Mô hình được bố trí để trồng các loại cây ngắn ngày như: củ cải nhật, dưa hấu, cà rốt, bí đỏ. Đất cát sau khi được cải tạo bằng hình thức phối trộn vật liệu giàu sét kết hợp với các giải pháp thủy lợi, và nông nghiệp đã cho thấy ưu điểm vượt trội so với đất cát chưa cải tạo. Theo ước tính năng suất và giá trị thu nhập sau khi trừ đi chi phí tăng khoảng 20-30% so với trước khi áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, rau màu có giá trị kinh tế cao có thể được canh tác trái vụ vào các tháng có thời tiết vô cùng khắc nghiệt (tháng 6-8), điều mà trước đây là không thể trên vùng đất này.

Hình 1. Mô hình rau-củ của trang Trại bà Trần Thị Việt Hà (Yên Hòa, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được trồng trái vụ

Không chỉ các loại rau ngắn ngày, cây ăn quả có múi như bưởi, cam ... cũng đã cho thấy khả năng thích nghi rất tốt với đất cát biển sau khi đã được cải tạo. Trên diện tích 1.6 ha trồng cây lâu năm (cam, bưởi) của gia đình ông Nguyễn Văn Vinh tại xã Cam Thủy, huyện Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình, cây bưởi phát triển mạnh và đã cho những “trái ngọt” đầu tiên. Đây thực sự là kết quả vượt quá mong đợi của các chuyên gia thực hiện đề tài.

 

Hình 2. Đoàn chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra kết quả triển khai mô hình của đề tài tại gia đình ông Nguyễn Văn Vinh tại xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình

Hình 3. Bưởi cho trái ngọt, được trồng tại mô hình trồng cây lâu năm tại gia đình ông Nguyễn Văn Vinh tại xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình sau 2 năm triển khai đề tài