Công bố Tiêu chuẩn TCVN 13615:2022 Tính toán các đặc trưng thủy văn thiết kế

2/15/2023 7:03:00 PM
Tiêu chuẩn TCVN 13615:2022 Tính toán các đặc trưng thủy văn thiết kế được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành theo Quyết định số 2771 ngày 30/12/2022.

Các tiêu chuẩn kỹ thuật chính là cơ sở giúp cho các kỹ sư lựa chọn được phương án đúng đắn khi thiết kế, xây dựng và vận hành các công trình. Năm 1977, QPTL C6-77 là Quy phạm đầu tiên ở nước ta được ban hành, quy định về các phương pháp tính toán các đặc trưng thủy văn thiết kế. Kể từ đó đến nay đã trải qua 45 năm, rất nhiều sự thay đổi về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, đã có tác động không nhỏ đến hiệu quả sử dụng của QPTL C6-77 dẫn đến yêu cầu cập nhật quy phạm QPTL C6-77 trở nên  bức thiết. Thực tế, nhiều đơn vị đã có ý tưởng nghiên cứu về vấn đề này nhưng chưa thành công vì nhiều lý do khác nhau. Chính vì thế, năm 2019, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Thủy lợi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học xây dựng lại bộ tiêu chuẩn mới thay thế cho QPTL C6-77. 


Đề tài NCKH cấp Bộ do PGS.TS. Hoàng Thanh Tùng làm chủ nhiệm cùng với nhóm các thầy cô giáo thuộc Bộ môn Thủy văn và Biến đổi khí hậu được nghiên cứu và hoàn thành trong giai đoạn 3 năm từ 2019 đến 2021. Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã gặp nhiều khó khăn, thách thức. Như chúng ta đã biết, để phân tích được hiện tượng thủy văn cần dựa vào cơ sở dữ liệu, trong khi mạng lưới trạm đo khí tượng thủy văn ở nước ta còn thưa, phân bố không đều, nhiều trạm đo chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, nhiều chuỗi số liệu thực đo không có tính đồng nhất… Nhóm nghiên cứu đã phải áp dụng nhiều phương pháp xử lý số liệu từ đơn giản đến phức tạp, cố gắng tận dụng tối đa mọi nguồn số liệu có sẵn. Đặc điểm của hiện tượng thủy văn cũng có tính vùng miền rất rõ ràng, nhưng với nguồn kinh phí đề tài hạn hẹp nên không có đủ điều kiện để tiến hành khảo sát thực địa trên diện rộng. Vì thế, song song với các chuyến đi thực địa, đề tài đã kế thừa nhiều kết quả nghiên cứu trước đây cũng như tranh thủ học hỏi kinh nghiệm từ rất nhiều các chuyên gia trong lĩnh vực thủy văn. Khối lượng tính toán xây dựng các bảng tra phụ trợ trong Tiêu chuẩn là rất lớn, không chỉ vì thay đổi về mặt không gian trên phạm vi toàn quốc so với QPTL C6-77 mà còn vì có nhiều yếu tố mới được tính toán bổ sung, ví dụ như mưa, lũ lớn nhất khả năng. Do đó, nhóm nghiên cứu đã phải nỗ lực hơn rất nhiều bên cạnh công tác chuyên môn chính là giảng dạy theo sự phân công của nhà trường. Những năm thực hiện đề tài cũng rơi vào giai đoạn dịch Covid nên có nhiều bất lợi trong các hoạt động phục vụ đề tài, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến việc di chuyển hoặc hội thảo. Cuối cùng, việc chia sẻ, trao đổi về kết quả nghiên cứu đến các đơn vị tư vấn cũng gặp nhiều thách thức do việc áp dụng QPTL C6-77 đã quá lâu nên hình thành thói quen cho rất nhiều kỹ sư thủy văn. Bên cạnh những khó khăn, thách thức thì nhóm nghiên cứu rất may mắn khi nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các chuyên gia trong lĩnh vực thủy văn trên toàn quốc. Trong đó, nhóm nghiên cứu biết ơn sâu sắc cố GS.TS. Hà Văn Khối và GS. TS. Lê Đình Thành đã luôn song hành, góp ý chi tiết về nội dung và phương pháp nghiên cứu. Ngoài ra, các cơ quan tổ chức như Công ty tư vấn xây dựng Thủy lợi, Công ty tư vấn Điện 1, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi, các thầy cô đã và đang công tác tại trường Đại học Thuỷ lợi… cũng có rất nhiều đóng góp và chia sẻ quý báu vào quá trình thực hiện đề tài và bản dự thảo Tiêu chuẩn. 

Trải qua quá trình thực hiện kéo dài trong 3 năm, đề tài đã đóng góp 09 bài báo được đăng trong các tạp chí có uy tín,  đào tạo 02 học viên bảo vệ thành công luận văn cao học và xây dựng hoàn chỉnh 01 phần mềm giao diện web hỗ trợ tính nhanh các đặc trưng thủy văn thiết kế. Nhưng trên tất cả, từ kết quả của đề tài đã xây dựng được bộ tiêu chuẩn mới TCVN 13616:2022, đã được ban hành theo quyết định số 2771/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và công nghệ ngày 30/12/2022. Kể từ nay, việc tư vấn thiết kế, xây dựng hoặc vận hành các công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông, xây dựng dân dụng… sẽ có thể dựa theo Tiêu chuẩn này. Mặc dù nội dung Tiêu chuẩn vẫn còn một số điểm chưa thực sự đầy đủ và chi tiết, nhưng nhìn chung sản phẩm này đã đánh dấu một bước tiến khá đáng kể trong mục tiêu phát triển chung của ngành thủy văn ở Việt Nam. Đây không chỉ là một sản phẩm phục vụ các dự án sản xuất trong thực tiễn mà nó còn thể hiện tâm huyết của nhóm nghiên cứu với ngành thủy văn. 

Tiêu chuẩn TCVN 13616:2022 có thể download tại đường link dưới đây:

https://kttnn.tlu.edu.vn/Portals/0/BM_Thuyvan/TCVNTV_2022.pdf

Các bản đồ trong tiêu chuẩn TCVN 13615:2022 có thể  tham khảo tại đường link dưới đây:

https://drive.google.com/drive/folders/1H-9ARE6_e7pdZ2bECpKE6aPKT0RQrNFI?usp=share_link

 

Bộ môn Thủy văn và Biến đổi khí hậu

Các tin khác