NỮ SINH HỌC KHỐI NGÀNH KỸ THUẬT ĐỂ LÀM NÊN SỰ KHÁC BIỆT!

4/26/2023 8:37:00 AM

Vừa qua, giảng viên Lưu Quỳnh Hường – Bộ môn Kỹ thuật hạ tầng – Khoa Kỹ thuật tài nguyên nước – Trường Đại học Thủy lợi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Cơ kỹ thuật tại Học viện Khoa học và Công nghệ thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với đề tài: ”Ứng dụng vật liệu áp điện trong đánh giá trạng thái kỹ thuật công trình”.

TS. Lưu Quỳnh Hường cùng quý thầy hướng dẫn tại lễ trao bằng Tiến sĩ

Xuất phát là một nữ sinh chuyên Toán của trường THPT chuyên Nguyễn Huệ - quận Hà Đông - TP Hà Nội, trong khi các bạn nữ sinh khác trong lớp lựa chọn nộp hồ sơ đăng ký thi vào các khối ngành kinh tế của các trường Đại học thì TS. Hường lại lựa chọn theo học một ngành đậm chất “kỹ thuật” - ngành Xây dựng dân dụng của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Nếu những nữ sinh của các khối ngành kinh tế gắn bó với những bài tiểu luận trong quá trình học tập thì những đồ án, những bản vẽ cad, những buổi thông đồ án theo nhóm lại rất thân thuộc đối với nữ sinh ngành kỹ thuật. Chính những điều này càng khiến TS. Hường thêm yêu thích và tự hào về chuyên ngành kỹ thuật đã lựa chọn. Và đặc biệt, vì là một trong bốn mỳ chính cánh của lớp 04X6 ngày ấy với hơn 60 sinh viên nam nên trong các hoạt động ngoại khóa hay thực tập, thí nghiệm  hay thậm chí khi máy tính lỗi, hỏng sẽ luôn đươc các bạn nam trong lớp sẵn sàng hỗ trợ nhiệt tình. Sau 5 năm học tập, với nỗ lực của bản thân TS. Hường đã tốt nghiệp với tấm bằng giỏi và lựa chọn công tác tại bộ môn Kỹ thuật hạ tầng - khoa Kỹ thuật tài nguyên nước - trường Đại học Thủy lợi.

Trong quá trình công tác tại trường Đại học Thủy lợi, TS. Hường nhận thấy có một thực tại là ngày càng có nhiều các công trình xảy ra sự cố gây thiệt hại nặng nề cả về kinh tế lẫn tính mạng con người do xuất hiện các khuyết tật và hư hỏng dẫn đến làm suy giảm khả năng làm việc của công trình nên việc đánh giá trạng thái kỹ thuật công trình nhằm phát hiện sớm những hư hỏng bên trong kết cấu và đưa ra giải pháp sửa chữa phục hồi nhằm nâng cao tuổi thọ của công trình, đảm bảo an toàn cho công trình khi sử dụng là rất cần thiết. Chính vì vậy, TS. Hường đã lựa chọn nghiên cứu đề tài ” Ứng dụng vật liệu áp điện trong đánh giá trạng thái kỹ thuật công trình” trong luận án của mình nhằm phát triển một phương pháp chẩn đoán vết nứt trong dầm FGM sử dụng vật liệu áp điện.

Kết quả nghiên cứu của luận án đã đưa ra những đóng góp mới mang ý nghĩa khoa học sâu sắc được hội đồng chấm luận án tiến sĩ đánh giá cao trong đó tác giả đã áp dụng phương pháp đường đồng mức để đề xuất một phương pháp chẩn đoán vết nứt trong dầm FGM từ tín hiệu điện tích đo được trong lớp áp điện gắn chặt với dầm như một cảm biến phân bố liên tục suốt chiều dài dầm và kết quả cho ra một lời giải duy nhất ngay cả khi dầm có biên đối xứng trong khi với các phương pháp chẩn đoán bằng đường đồng mức tần số trước đây, bài toán không cho nghiệm duy nhất khi dầm có biên đối xứng . Kết quả này minh chứng cho sự tiến bộ của việc ứng dụng vật liệu áp điện trong chẩn đoán kỹ thuật công trình.

Các kết quả nghiên cứu trong luận án đã được công bố tại hai bài báo trên tạp chí quốc tế: “Effect of Piezoelectric Patches on Natural Frequencies of Timoshenko Beam Made of Functionally Graded Material” trên tạp chí Mater. Res. Express; “Modal Analysis of Functionally Graded Beam with Piezoelectric Layer” trên tạp chí Mechanics Based Design of Machines and Structures; 01 bài báo “Modal analysis of cracked beam with piezoelectric layer” trên Tạp chí Vietnam Journal of Mechanics và 02 bài trong Tuyển tập các báo cáo khoa học tại Hội nghị khoa học toàn quốc về Cơ học…

Một số hình ảnh giản dị của TS. Hường sau lễ trao bằng tiến sĩ: