NIỀM VUI TRÊN CÁT TRẮNG QUẢNG BÌNH

4/22/2020 4:43:00 PM
Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ thủy lợi, nông lâm kết hợp nhằm cải tạo và khai thác đất cát ven biển phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp bền vững vùng Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị)

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong cái nắng nhàn nhạt của một buổi sáng đầu đông, chút cảm giác vui mừng của chúng tôi lại ùa về khi bắt tay vào công việc của những người nông dân thu hoạch củ trong khu thí nghiệm nhà lưới của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Niềm vui đã ở lại trên những ô ruộng củ cải trắng và cà rốt xanh tươi mơn mởn, đẹp tựa như những bức tranh.  Lại càng vui hơn, vì đó là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học ĐTĐL.CN - 24/19 “Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ thủy lợi, nông lâm kết hợp nhằm cải tạo và khai thác đất cát ven biển phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp bền vững vùng Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị” của Trường Đại học Thủy Lợi. Đây cũng là những thành quả ban đầu của biết bao những suy nghĩ, trăn trở và lo lắng trong suốt 01 năm qua.

Từ những lô đất cát trắng bạt ngàn của Quảng Bình tưởng chừng như “bó tay” và “phó mặc cho tự nhiên”, thì hôm nay đã thấy màu xanh mát mắt của cây trồng

Ảnh 1. Tăng trưởng của củ cải và cà rốt trên đất cát trắng được cải tạo

Vùng ven biển miền Trung Việt Nam từ xưa đến nay vốn đã là dải đất không được thiên nhiên ưu đãi, lại thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Diện tích đất trồng trọt của khu vực (khoảng 215,3 nghìn ha) phần lớn là nhóm đất cát trắng, bạc màu.

‘’Cái màu trắng cứ hừng lên nhức mắt

Đất hiếm hoi mà cát lắm quá chừng’’

Đất cát có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế và đời sống của nông dân khu vực ven biển miền trung nước ta, nhưng vùng đất lại vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn. Tình trạng nghèo kiệt dinh dưỡng cộng với ảnh hưởng của gió Lào đã khiến cho nhiều vùng đất đang bị bỏ hoang hóa, đời sống của người dân hết sức khó khăn.

‘’Đất mặn, đất chua, đất cằn, đất cỗi

Nắng lửa, gió tây cứ chẳng chịu xa mình

Dãi đất hẹp ơi!, quê mình sao lận đận?
Vất vả dặm trường, khắc nghiệt bởi thiên nhiên’’

Nhằm đưa ra các giải pháp hữu ích giúp cho bà con nông dân có thể sản xuất và tạo thu nhập trên diện tích đất cát trắng đang bị hoang hóa,  đề tài đã tiến hành các nghiên cứu thực nghiệm trong nhà lưới và thí nghiệm đồng ruộng để đưa ra biện pháp cải tạo đất cát trắng trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày, sử dụng các vật liệu tự nhiên như đất giàu sét, rơm rạ, tro trấu đốt...để giữ được lượng nước tưới cho cây trong vùng cát.

Ảnh 2. Kết quả thử nghiệm trồng cây nông nghiệp ngắn ngày trên đất cát trắng được cải tạo bằng các vật liệu tự nhiên.

Ảnh 3. Thu hoạch cà rốt và củ cải sau thí nghiệm cải tạo đất

Qua kết quả thực nghiệm cải tạo đất, chúng tôi cho rằng việc phối trộn đất cất với đất nhiều sét và than sinh học hoặc rơm rạ có hiệu quả tốt trong việc tăng khả năng giữ ẩm của đất (lượng nước tưới giảm đi), tăng khả năng giữ chất dinh dưỡng (CEC của đất tăng lên). Với giá thể đất được tạo ra, củ cải trắng và cà rốt đều sinh trưởng tốt, năng suất cao và chất lượng tốt.  Điều này có nghĩa vô cùng quan trọng trong thực tế sản xuất, giải pháp kết hợp giữa thủy lợi với nông lâm nghiệp là hướng đi đúng để cải tạo tính chất của đất cát trắng vùng ven biển, giúp cho bà con nông dân giảm nghèo, yên tâm canh tác trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Chúng tôi đặt nhiều niềm tin vào tiềm năng phát triển vùng đất hoang hóa này trong tương lai không xa !. 

Tháng 4/2020

Tác giả

Nguyễn Thị Hằng Nga

Nhóm đề tài cải tạo đất