8/27/2020 3:07:00 PM
TS.Đào Thị Huệ, giảng viên thuộc bộ môn Kỹ thuật hạ tầng, khoa Kỹ thuật tài nguyên nước chia sẻ về cơ hội học sau đại học tại trường đại học Yamanashi, Nhật Bản

Tỉnh Yamanashi – Quê hương của núi Phú Sĩ – nằm gần Tokyo và chỉ mất 1,5 tiếng di chuyển bằng tàu điện. Nơi đây được thiên nhiên vô cùng ưu đãi khi được bao quanh là các ngọn núi xinh đẹp. Yamanashi còn được mệnh danh là “vương quốc trái cây” và luôn tự hào với các giống nho và đào thượng hạng được trồng theo các công nghệ hàng đầu.

Nằm trong tỉnh Yamanashi, trường đại học Yamanashi được thành lập từ năm 1795 và đến năm 2002 trường trở thành trường quốc lập duy nhất ở tỉnh sau khi hợp nhất giữa 2 trương là Đại học Y Yamanashi và Đại học Yamanashi. Quy mô của trường gồm khoảng 5000 sinh viên bao gồm cả đại học và sau đại học được chia vào 4 khoa lớn là Khoa giáo dục nhân văn, Khoa Y, Khoa kỹ thuật, đời sống và Khoa Môi trường. Trong đó, trung tâm liên ngành về lưu vực sông (tên tiếng anh là ICRE- Interdisciplinary Centre for River Basin Environment) là một trong những trung tâm hàng đầu cả về nghiên cứu lẫn đào tạo sau đại học các chuyên ngành liên quan đến thủy văn, quản lý sông, ảnh vệ tinh, chất lượng nước và công nghệ vi sinh. Hàng năm, trường đại học Yamanashi nói chung và Trung tâm nói riêng giành rất nhiều các học bổng (Học bổng chính phủ Nhật, học bổng từ các dự án của Jica, Jasso), chính sách ưu đãi (miễn học phí) giành cho các sinh viên Quốc tế đến theo học tại trường.

Một góc của trường Yamanashi nhìn từ trên cao

Giảng viên Đào Thị Huệ thuộc bộ môn Kỹ thuật hạ tầng, khoa Kỹ thuật tài nguyên nước sau khi hoàn thành khóa học thạc sỹ tại AIT, Thái Lan đã nhận được học bổng MEXT của chính phủ Nhật Bản để tham gia khóa học nghiên cứu sinh trong 3 năm (từ 2015 đến 2018) tại trung tâm ICRE, thuộc trường Yamanashi. Đề tài nghiên cứu của giảng viên Đào Thị Huệ tập trung vào việc đưa ra lựa chọn “tốt nhất” về việc phân bổ nguồn nước ngọt hơp lý cho đối tượng tôm và lúa ở 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu nhằm giải quyết mâu thuẫn về sử dụng nước giữa 2 đối tượng này. Nuôi tôm và trồng lúa là loại hình canh tác phổ biến ở tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Trong khi việc nuôi tôm thì cần sử dụng nước lợ (nước có độ mặn trên 5‰) còn cây lúa thì cần nước ngọt để tưới (độ mặn dưới 3.9‰). Việc giá tôm cao, khiến nhiều hộ nông dân chuyển từ canh tác lúa sang trồng tôm, và việc đưa nước mặn vào ruộng tôm đã làm xâm nhập mặn kéo sâu vào nội đồng ảnh hưởng đến cây lúa. Hàng năm mâu thuẫn sử dụng nước giữa hộ nuôi tôm và lúa xảy ra gay gắt, đặc biệt trong bối cảnh hạn hán, và xâm nhập mặn tăng cường trong những năm gần đây ở Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và 2 tỉnh Sóc Trăng Bến Tre nói riêng. Để giải quyết bài toán này, giảng viên Đào Thị Huệ đã tính toán giá trị kinh tế của tôm và lúa bằng phương pháp phần dư (Residual Value Method) để đưa ra so sánh hiệu quả của việc sử dụng nước ở 2 loại hình canh tác. Mô hình MIKE HYDRO được kiểm định và hiệu chỉnh và sử dụng để đánh giá sự thay đổi của các kịch bản rút nước tới xâm nhập mặn trên sông và xác định các ràng buộc về độ mặn cũng như nguồn nước ngọt có thể cung cấp cho khu vực nghiên cứu. Sau đó xác định phương án phân phối nước tốt nhất trong 13 kịch bản sử dụng “Quy hoạch thỏa hiệp” (Compromise programming method).

Giờ ăn trưa của các nghiên cứu sinh trong lab

Hiện nay trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sự gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhu cầu về đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ và thực nghiệm cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực về quản lý môi trường và lưu vực càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chính phủ Nhật đang có rất nhiều dự án và hỗ trợ đề đầu tư cho các trường, viện hàng đầu trong đó có trường Yamanashi và viện ICRE. Đây chính là cơ hội rất tốt cho sinh viên trường Đại học Thủy lợi có được cơ hội học tập tại môi trường hiện đại ở quốc gia phát triển và hàng đầu về lĩnh vực môi trường nước. Nhất là hiện nay sinh viên, Thủy lợi ra trường sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức về xây dựng dân dụng, quản lý nước, môi trường cả về chiều sâu và bề rộng. Bên cạnh đó, rất nhiều các giảng viên trong trường tốt nghiệp sau đại học từ trường Yamanashi sẽ là nguồn động lực và cơ hội rất tốt để các bạn sinh viên được học hỏi và tham khảo để có thể vững vàng bước tiếp trên con đường du học sau này.

TS.Đào Thị Huệ - BM Kỹ thuật Hạ tầng