9/6/2020 9:38:00 PM
Tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Thủy văn đi du học nước ngoài và có công việc phù hợp sau khi du học trong 10 năm trở lại đây tương đối cao, khoảng 15-20% (theo khảo sát của Khoa Thủy văn – TNN, nay thuộc Khoa Kỹ Thuật TNN, năm 2019). Rất nhiều cựu sinh viên của ngành Thủy văn đã và đang học tập và làm việc tại tại các nước Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Hà Lan,Ý, Đức, Pháp, Bỉ, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan...

Tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Thủy văn đi du học nước ngoài và có công việc phù hợp sau khi du học trong 10 năm trở lại đây tương đối cao, khoảng 15-20% (theo khảo sát của Khoa Thủy văn – TNN, nay thuộc Khoa Kỹ Thuật TNN, năm 2019). Rất nhiều cựu sinh viên của ngành Thủy văn đã và đang học tập và làm việc tại tại các nước Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Hà Lan,Ý, Đức, Pháp, Bỉ, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan... Các thầy cô giảng dạy trong Khoa phần lớn đã tốt nghiệp chương trình Thạc sỹ hoặc Tiến sỹ tại các nước kể trên nên có rất nhiều kinh nghiệm chia sẻ và hỗ trợ các em sinh viên thực hiện ước mơ du học của mình trong thời gian theo học tại Khoa. Dưới đây là câu chuyện chia sẻ về kinh nghiệm học tập tại nước ngoài và hướng nghiên cứu của cô Nguyễn Thị Thu Hà, cựu sinh viên lớp 43V – ngành Thủy Văn học.

Cô Hà ngay sau khi tốt nghiệp loại giỏi ngành Thủy văn học đã nhận được học bổng toàn phần cho chương trình thạc sỹ chuyên ngành Kỹ thuật và quản lý tài nguyên nước (WEM), trường Kỹ thuật và công nghệ (SET), tại Viện Công nghệ châu Á (AIT), Thái Lan (từ năm 2007-2009). Do đã được trạng bị những kiến thức nền tảng tốt trong suốt quá trình học tập tại Đại học Thủy lợi, cô Hà đã hòa nhập rất nhanh với môi trường học tập quốc tế và đa văn hóa tại AIT. Cô đã tốt nghiệp thạc sỹ loại xuất sắc với GPA 4/4, và đã đạt 2 giải thưởng của trường AIT về sinh viên xuất sắc nhất ngành WEM và nữ sinh xuất sắc nhất trường SET. AIT thành lập vào năm 1959, là một viện giáo dục quốc tế đa văn hóa với môi trường học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh (với hơn 70% số sinh viên theo học tại trường đến từ quốc gia bên ngoài Thái Lan), chuyên đào tạo các chương trình sau đại học tập trung vào các ngành kỹ thuật, môi trường và quản lý. Theo bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới QS World University Rankings 2020, trường Kỹ thuật và công nghệ của AIT  xếp hạng thứ 370 trên thế giới. Hàng năm, AIT cung cấp rất nhiều học bổng cho các sinh viên xuất sắc đến từ các quốc gia khác nhau, trong đó có ưu tiên sinh viên đến từ Việt Nam, theo đuổi các chương trình sau đại học1.

Sau khi hoàn thành chương trình Thạc sỹ (5/2009), cô Hà đã quay trở lại tiếp tục công tác tại trường Đại học Thủy lợi. Đến cuối năm 2013, cô Hà lại tiếp tục nhận được học bổng ADS của chính phủ Úc cho bậc tiến sỹ nghiên cứu tại trường Xây dựng dân dụng và môi trường (School of Civil and Environmental Engineering), Đại học New South Wales (UNSW), Australia, từ tháng 3/2014 tới tháng 3/2018. Trường UNSW thành lập vào năm 1949, có khoảng hơn 60,000 sinh viên đến từ 130 quốc gia khác nhau. Theo bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới QS World University Rankings 2020, trường UNSW xếp hạng thứ 44 trên thế giới. Riêng đối với nhóm ngành Kỹ thuật xây dựng dân dụng thuộ UNSW được xếp hạng thứ 9 thế giới và xếp hạng thứ 1 của Úc, ngành Kỹ thuật nước thuộc trường Kỹ thuật xây dựng dân dụng và môi trường xếp hạng thứ 7 thế giới và xếp thứ 1 của Úc2. Hàng năm trường Kỹ thuật xây dựng dân dụng và môi trường của UNSW đều có các chương trình học bổng sau đại học cho các sinh viên quốc tế xuất sắc, đặc biệt cho dành cho bậc tiến sỹ nghiên cứu3.

Đề tài nghiên cứu của cô Hà tập trung vào phát triển phương pháp thống kê hiệu chỉnh và kết nối sản phẩm của mô hình khí hậu toàn cầu (GCM) và mô hình khí hậu vùng (RCM) nhằm để phù hợp với thực tế đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước. Trong quá trình theo học tại trường UNSW, với kiến thức và kỹ năng đã được trang bị trong thời gian học tập và làm việc tại trường Đại học Thủy lợi và AIT, cô Hà cũng đã thích ứng rất nhanh với môi trường học tập nghiên cứu mới. Kết quả nghiên cứu sau 4 năm tại trường UNSW của cô Hà thể hiện qua 4 bài báo đã được xuất bản trên các tạp chí hàng đầu về ngành nước thuộc danh mục các tạp chí quốc tế uy tin bậc 1 (SCI-Q1)4. Luận án tiến sỹ của cô Hà đều được các phản biện cho điểm loại A – tương đương với luận án nghiên cứu xuất sắc. Hiện nay, hướng nghiên cứu của cô Hà chủ yếu tập trung vào phát triển và ứng dụng các mô hình dựa trên dữ liệu kết hợp với mô hình dựa trên quy luật vật lý của hệ thống thủy văn – tài nguyên nước để giải quyết các bài toán thực tế liên quan đến nước và môi trường.

Câu chuyện của cô Nguyễn Thị Thu Hà ở trên chỉ là một trong rất nhiều cựu sinh viên của ngành Thủy văn đã thực hiện hóa ước mơ du học và học tập rất thành công tại các trường danh tiếng trên thế giới. Chúng tôi tin tưởng rằng, chỉ cần các bạn sinh viên có ước mơ, có cố gắng, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của các thầy cô khi các bạn theo học tại Khoa Kỹ thuật TNN thì luôn luôn có những cánh cửa rộng lớn, những con đường phía trước mở ra cho các bạn tiếp tục khám phá, chinh phục và thực hiện hóa giấc mơ của chính mình.

Các tài liệu tham khảo tương ứng với các chú thích

1 https://www.ait.ac.th/admissions/scholarships/.

2https://www.engineering.unsw.edu.au/civil-engineering/news/ranked-as-no-1-in-australia-0

3https://www.engineering.unsw.edu.au/civil-engineering/study-with-us/scholarships-and-prizes/research-scholarships

4 Các bài báo quốc tế đã đăng liên quan đến luận án tiến sỹ của cô Hà:

  • Nguyen H; Mehrotra R; Sharma A, 2020, 'Assessment of Climate Change Impacts on Reservoir Storage Reliability, Resilience, and Vulnerability Using a Multivariate Frequency Bias Correction Approach', Water Resources Research, vol. 56, http://dx.doi.org/10.1029/2019WR026022. [SCI-Q1, 2019 Impact Factor  4.27].
  • Nguyen H; Mehrotra R; Sharma A, 2019, 'Correcting systematic biases across multiple atmospheric variables in the frequency domain', Climate Dynamics, vol. 52, pp. 1283 - 1298, http://dx.doi.org/10.1007/s00382-018-4191-6. [SCI-Q1, 5-Year Impact Factor  4.9].
  • Nguyen H; Mehrotra R; Sharma A, 2017, 'Can the variability in precipitation simulations across GCMs be reduced through sensible bias correction?', Climate Dynamics, pp. 1 - 19, http://dx.doi.org/10.1007/s00382-016-3510-z. [SCI-Q1, 5-Year Impact Factor  4.9].
  • Nguyen H; Mehrotra R; Sharma A, 2016, 'Correcting for systematic biases in GCM simulations in the frequency domain', Journal of Hydrology, vol. 538, pp. 117 - 126, http://dx.doi.org/10.1016/j.jhydrol.2016.04.018. [SCI-Q1, 5-Year Impact Factor 5.08].

 

                                                                                                                         Trần Kim Châu