SỰ GIAO THOA GIỮA TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI, KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN TRONG XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN TÍNH TOÁN CÁC ĐẶC TRƯNG THỦY VĂN THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH

Mở đầu

Sông ngòi là nguồn nước mặt chính cung cấp chủ yếu cho các hoạt động dân sinh và kinh tế ở nước ta. Tuy vậy, chế độ dòng chảy trong sông khá thất thường, lúc thì nhiều nước khi thì khô hạn, thiếu nước. Do vậy, hàng nghìn các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện lớn nhỏ được xây dựng nhằm điều tiết nguồn nước tự nhiên này giúp con người có thể khai thác một cách có hiệu quả nguồn tài nguyên nước quý giá cho các mục đích phát triển dân sinh, kinh tế và xã hội. Để thiết kế các công trình trên sông, người ta cần nắm được thông tin về lượng nước trong sông cùng với quy luật biến động của nó theo không gian và thời gian, gọi chung là các đặc trưng thủy văn. Các đặc trưng thủy văn thiết kế được coi là đầu vào để xác định quy mô, kích thước công trình, đồng thời là cơ sở để đưa ra quyết định quản lý, vận hành công trình.

Bối cảnh ra đời của đề tài

Khoảng 45 năm trước, một thế hệ đội ngũ CBGV của Khoa Thủy văn (cũ) - trường ĐH Thuỷ lợi đã tham gia xây dựng Quy phạm Tính toán các đặc trưng thủy văn thiết kế QPTL C6-77. Đây là quy phạm giới thiệu các phương pháp tính toán các đặc trưng thủy văn cần thiết cho việc thiết kế các công trình thủy lợi trên các sông không chịu ảnh hưởng của thủy triều. Thành quả nghiên cứu này đã được áp dụng thành công trong tính toán thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành các công trình thủy lợi, thủy điện lớn nhỏ trên khắp đất nước. Giờ đây, khi thế hệ các nhà giáo trước đây đã nghỉ hưu, có những người đã không còn, thì một lần nữa thế hệ CBGV trẻ trong Khoa lại được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ cập nhật và bổ sung lại Quy phạm, nay gọi là Tiêu chuẩn nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của xã hội. Đề tài NCKH cấp Bộ bắt đầu triển khai từ năm 2019 và hoàn thành vào cuối năm 2021 do PGS. TS. Hoàng Thanh Tùng làm chủ nhiệm cùng với các giảng viên bộ môn Thuỷ văn & Biến đổi khí hậu – khoa Kỹ thuật Tài nguyên nước. Bộ tiêu chuẩn thiết kế dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ sớm được ban hành trong năm 2022.

Lĩnh vực thủy văn là một lĩnh vực khá đặc thù trong việc xây dựng tiêu chuẩn thiết kế. Đối với các tiêu chuẩn thiết kế khác tập trung vào hoàn thiện và đổi mới phương pháp thì tiêu chuẩn thiết kế trong lĩnh vực thủy văn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên và số liệu thực đo. Tiêu chuẩn thiết kế thủy văn không chỉ trình bày về phương pháp tính mà còn phải làm rõ về khả năng ứng dụng của từng phương pháp trong bối cảnh cụ thể ở nước ta. Vì thế, nhiệm vụ chính của nhóm nghiên cứu là đề xuất phương pháp phù hợp và xây dựng được hệ thống các bảng biểu phụ trợ phục vụ cho tính toán các yếu tố thủy văn thiết kế.

Những khó khăn và thách thức trong việc nghiên cứu cập nhật và bổ sung thay thế cho QPTL C6-77.

Thời điểm xây dựng QPTL C6-77 là khi đất nước vừa mới thống nhất, thời kỳ đo đạc khí tượng thủy văn ngắn và chỉ có cho khu vực từ vĩ tuyến 17 trở ra. Công cụ tính toán chủ yếu chỉ là thước tính, thuyết minh, hình vẽ thì bằng tay. Sau hơn 40 năm, cuốn quy phạm TL C6-77 đang lưu hành chủ yếu dưới dạng phiên bản điện tử được “scan” với chất lượng không tốt, thiếu nhiều hình vẽ phụ lục.

Khó khăn tiếp theo chính là thu thập số liệu thực đo về các yếu tố khí tượng thủy văn trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam từ trước đến nay. Do điều kiện chiến tranh nên khu vực phía bắc có số liệu từ năm 1956, còn khu vực phía nam là từ năm 1977. Mạng lưới các trạm đo được bố trí không đều, nhiều trạm chỉ đo trong thời gian ngắn và dừng đo cách thời điểm hiện tại đã nhiều năm. Ngoài ra, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên đề tài hầu như phải sử dụng nguồn số liệu thứ cấp.

Sự thành công của QPTL C6-77 cùng với việc quy phạm này đã được sử dụng trong một thời gian rất dài cũng là một thách thức không nhỏ cho việc làm mới hoặc cập nhật, bổ sung các phương pháp khác. Các kỹ sư thủy văn có thể đã hình thành thói quen cố hữu, rất khó để tiếp cận với phương pháp hoặc công nghệ mới.

Những thuận lợi

Dù còn có nhiều khó khăn, nhưng thuận lợi lớn nhất trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu này chính là nguồn nhân lực. Một đội ngũ CBGV được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, có nền tảng kiến thức vững, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn đã tích cực tham gia vào đề tài nghiên cứu. Sự yêu ngành, yêu nghề cùng với lòng tự hào được đóng góp sức mình tiếp nối thành công của các thế hệ thầy cô đi trước đã giúp cho việc thực hiện đề tài đúng tiến độ dù khối lượng thực hiện là rất lớn.

Ngoài ra, cùng với sự mong mỏi có một tiêu chuẩn tính toán mới nhóm nghiên cứu đã nhận được nhiều sự hỗ trợ đắc lực, vô tư từ cộng đồng các nhà khoa học, các chuyên gia, các đơn vị tư vấn thiết kế trong lĩnh vực thuỷ văn trên toàn quốc. Những chia sẻ về thông tin, dữ liệu, kinh nghiệm thực tế cùng với các góp ý sâu sát này đã giúp cho nhóm nghiên cứu có thể hoàn thành đề tài cũng như tiêu chuẩn được phù hợp, chính xác, khoa học, đảm bảo độ tin cậy.,.

Cuối cùng, trường ĐHTL cũng là một cơ sở đào tạo có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực NCKH và phục vụ sản suất, nên đề tài cũng được kế thừa rất nhiều các kinh nghiệm, tài liệu, số liệu quý báu.  

Những đóng góp nổi bật

Đề tài đã bổ sung một số nội dung hoàn toàn mới so với QPTL C6-77, ví dụ như tính toán các đặc trưng mưa thiết kế, tính lũ lớn nhất khả năng, tính toán các đặc trưng khi xét đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các công trình trong hệ thống. Trong đó, một số nội dung có ý nghĩa cao về mặt khoa học như phân vùng mưa theo phương pháp L-moment, xây dựng quan hệ giữa cường độ mưa không thứ nguyên với thời khoảng mưa và tần suất thiết kế, thiết lập các biểu đồ phân bố mưa rào không thứ nguyên tương ứng với mô hình mưa bất lợi nhất cho các thời khoảng mưa thuộc vùng mưa …

Đề tài đã hoàn thiện các nội dung đã từng có trong QPTL C6-77 như tính toán dòng chảy năm thiết kế, dòng chảy lũ thiết kế, mực nước thiết kế… với số liệu được cập nhật mới nhất với quy mô toàn quốc và mức độ chi tiết hơn. Một loạt các bản đồ phụ trợ đã được xây dựng như bản đồ đẳng trị chuẩn mưa năm, bản đồ đẳng trị lượng mưa ngày lớn nhất, bản đồ đẳng trị mô đun dòng chảy năm, bản đồ đẳng trị mô đun đỉnh lũ thiết kế. Hệ thống các bảng tra phụ trợ cũng được điều chỉnh dựa theo chuỗi số liệu cập nhật cho toàn quốc như tọa độ đường cong triết giảm mưa, hệ số triết giảm mô đun đỉnh lũ theo diện tích lưu vực…

Đề tài đã cập nhật các phương pháp cũng như các công cụ tiên tiến trong tính toán thủy văn thiết kế phù hợp với xu thế phát triển thuỷ văn trên thế giới. Hàng loạt các mô hình thủy văn, thủy lực ra đời đã giúp cải thiện rất nhiều về khả năng tính cũng như mức độ chính xác. Việc đưa các công cụ hiện đại vào trong tiêu chuẩn sẽ hỗ trợ người sử dụng hiểu vấn đề tốt hơn trước khi đưa ra quyết định lựa chọn đặc trưng thiết kế cụ thể.

Các hoạt động khác

Quá trình thực hiện đề tài đã tổ chức một loạt các hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia và các nhà khoa học. Nhóm nghiên cứu cũng đi khảo sát thực địa ở nhiều địa phương trên toàn quốc. Sau khi hoàn chỉnh phương pháp luận, dự thảo tiêu chuẩn đã được xây dựng và áp dụng thử nghiệm cho một số dự án thực tế. Kết quả tính toán được nhiều chuyên gia đánh giá có độ tin cậy cao. Ngoài các báo cáo thuyết minh, dự thảo tiêu chuẩn, sản phẩm của đề tài còn gồm có 09 bài báo được đăng trong các tạp chí có uy tín, 01 phần mềm giao diện web hỗ trợ tính nhanh các đặc trưng thủy văn thiết kế (vanhanhho.com/tvthietke). Đã có 02 học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ liên quan đến nội dung của đề tài.

Kết luận

Vai trò của QPTL C6-77 là không thể phủ nhận, đó là công sức sáng tạo của rất nhiều nhà khoa học trong thời kỳ đất nước còn gặp muôn vàn khó khăn. Thế nhưng, khi thời gian trôi qua, với điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng và công nghệ thay đổi, sự thay thế quy phạm này là xu thế tất yếu. Trải qua ba năm nghiên cứu tìm tòi, đề tài đã đi đến kết quả cuối cùng là dự thảo của một tiêu chuẩn mới thay thế cho QP C6-77. Khoa học gắn với thực tiễn, một sản phẩm nữa của khoa học ra đời sẽ hỗ trợ công tác thiết kế, xây dựng, quản lý và vận hành các công trình. Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học, một ngày nào đó trong tương lai, Tiêu chuẩn này có thể sẽ lại được đổi mới và thay thế. Tuy nhiên, các CBGV ngành Thủy văn của khoa Kỹ thuật TNN, trường ĐH Thuỷ lợi hôm nay sẽ tự hào vì đã nỗ lực hết mình đóng góp cho sản phẩm NCKH này.

Chủ nhiệm đề tài PGS. TS Hoàng Thanh Tùng báo cáo ở hội thảo tại Vĩnh Phúc

Các thành viên đề tài báo cáo tại Hội đồng nghiệm thu

Nguyễn Thị Thu Nga - Bộ môn Thuỷ văn & BĐKH

Các tin khác